Xẻ kênh, mở đường ra biển

Theo Tuổi Trẻ Chủ Nhật - 22/05/2005

Sau nhiều năm khảo sát, các cơ quan tư vấn vừa báo cáo với tổ công tác liên ngành của Chính phủ dự án nghiên cứu khả thi luồng tàu qua cửa Định An - sông Hậu. Đây là giải pháp để thông cảng Cần Thơ với biển Đông vốn đang bị “tắc” tại cửa Định An do quá trình bồi lắng: đào 10km kênh để thông cảng Cần Thơ ra biển....

Xẻ kênh, mở đường ra biển
Khu vực cửa Thuận An và tuyến kênh thoát ra biển
Theo trình bày của tiến sĩ Bassem Eid, giám đốc dự án của Công ty tư vấn SNC-Lavalin International (Canada), vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 17 triệu dân, sản lượng gạo xuất khẩu từ 3,8-4,2 triệu tấn (chiếm 85% tổng lượng xuất khẩu của cả nước). Hàng hóa xuất nhập khẩu của ĐBSCL là 7,37 triệu tấn (năm 2003).

Với tốc độ tăng trưởng từ 8,75-9,2%/năm, dự kiến đến năm 2010 lượng hàng hóa của khu vực sẽ tăng lên 12,3 triệu tấn và đến năm 2020 là 21,7 triệu tấn. Hiện khu vực có cảng Cần Thơ lớn nhất vùng nhưng chỉ tiếp nhận được tàu 3.000 tấn ra vào.

Nguyên nhân do cửa Định An thường xuyên bị bồi lắng, độ sâu chỉ khoảng 3m và không ổn định. Do không tiếp nhận được các tàu lớn, đến nay 80% lượng hàng hóa của ĐBSCL phải trung chuyển ở các cảng của TP.HCM, khiến chi phí vận tải tăng cao, giảm lợi thế cạnh tranh. Điều này cũng tạo áp lực cho vận tải đường bộ, gây ách tắc giao thông và không an toàn.

Xẻ kênh, mở đường ra biển
Hai tuyến đê chắn ở cửa kênh để hạn chế bùn bồi lắng
Để tiếp nhận tàu lớn có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào cửa Định An, cần phải nạo vét sâu thêm 6,5m. Tuy nhiên với giải pháp này phải nạo vét duy tu hàng chục triệu khối bùn mỗi năm do tuyến luồng không ổn định và chuyển dịch thường xuyên, quá trình bồi lắng nhanh. Chi phí nạo vét khá tốn kém, từ 2-14 tỉ đồng mỗi năm. Đơn vị tư vấn cho rằng nếu tiếp tục nạo vét cửa Định An để phát triển cảng Cần Thơ là không khả thi về kinh tế – Kỹ thuật.

Tiết kiệm 170 triệu USD

Giải pháp lâu dài là tìm một cửa ra khác cho cảng Cần Thơ. Ngoài cửa Định An, hiện có một kênh khác thông từ sông Hậu ra biển Đông, đó là kênh Quan Chánh Bố. Đơn vị tư vấn cho biết tuyến kênh này khá dài, chỉ sử dụng một đoạn khoảng 20km và nạo vét thêm một đoạn kênh 10km nữa để thông ra biển Đông theo con đường tắt, thuộc địa bàn tỉnh Trà Vinh. Tuyến kênh được đào này gọi là kênh Tắt.

Tác động & hiệu quả

Ông Trần Khiêu, phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, bày tỏ quan điểm đồng tình với chủ trương của Chính phủ vì đây là dự án lớn, mang lại lợi ích cho cả khu vực ĐBSCL. Trước mắt tỉnh Trà Vinh cũng bị ảnh hưởng về mất đất đai, ảnh hưởng môi trường, địa bàn một số xã bị chia cắt, nhưng nếu tỉnh biết khai thác tốt các dịch vụ và du lịch sẽ tạo tiền đề cho kinh tế của tỉnh phát triển. Ông cũng đề nghị nếu dự án được phê duyệt, Chính phủ cần giải quyết cho tỉnh Trà Vinh xây dựng một cảng biển theo qui hoạch, tại khu vực huyện Trà Cú được bắc một cầu mới qua quốc lộ 53 để nối các xã bị cắt ven biển với trung tâm huyện Duyên Hải.

Được biết, đoạn kênh Tắt đào mới sẽ cắt quốc lộ 53 và tỉnh lộ 913 tại xã Dân Thành, huyện Duyên Hải và một phần xã Định An, huyện Trà Cú. Việc thi công kênh Tắt này sẽ khiến gần 10.000 hộ dân ở hai huyện bị mất đất sản xuất nông nghiệp, diện tích đất nuôi trồng thủy sản và phải di dời nhà ở, trong đó huyện Duyên Hải có 8.200 hộ với hơn 11.700 ha đất sản xuất và đất ở.

Nói về những giải pháp khắc phục của công trình kênh Tắt, ông Lê Trọng Vũ - chủ tịch UBND huyện Duyên Hải - cho biết: Đảng bộ và nhân dân trong huyện đồng tình thực hiện dự án, sẽ bàn giao mặt bằng sớm cho các nhà đầu tư khi dự án đào kênh Tắt qua kênh Quan Chánh Bố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, Duyên Hải vốn là địa phương kinh tế chậm phát triển, nguồn thu nhập chính của người dân từ nghề nuôi trồng thủy sản, nghề sản xuất muối... Do vậy Nhà nước cần có những dự án tái định cư, giải quyết việc làm cho lao động, có chính sách hợp lý cho những người nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt trên địa bàn huyện cần xây dựng những khu chế xuất, những cảng trung chuyển hàng hóa để địa phương được hưởng lợi từ công trình quốc gia này.

Kênh đào có độ sâu luồng từ 6,5-8,5m. Bề rộng đáy kênh từ 85-150m, mặt kênh rộng khoảng 200m. Điểm chọn mở ra biển Đông là vị trí ít bồi lắng nhất của hai con sông Hậu và sông Tiền. Tuy nhiên khi nạo vét kênh sâu hơn sẽ không tránh khỏi tình trạng bồi lắng từ hai phía. Để hạn chế vấn đề này, đoạn gần biển sẽ xây dựng hai con đê chắn sóng, chắn bồi lắng dài 1,5km và 2,5km. Hai tuyến đê này sẽ ngăn khoảng 95% lượng bùn đất bồi lắng từ dòng chảy và ven bờ. Theo đánh giá của đơn vị tư vấn, tuyến kênh sẽ sử dụng được 25 năm mới nạo vét.

Riêng kênh Quan Chánh Bố hiện nay chiều sâu trung bình khoảng 6,5m, chỉ cần nạo vét thêm một đoạn khoảng 3-4km tại cửa Đại An, gần sông Hậu. Bề rộng mặt kênh hiện hữu từ 150-250m. Trên kênh này cũng xây hệ thống kè để bảo vệ bờ ở những đoạn cong, khu vực đông dân cư, nhằm hạn chế xói lở.

Khi hoàn thành, tuyến kênh có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải 10.000-20.000 tấn lưu thông liên tục quanh năm vào cảng Cần Thơ và các cảng thuộc khu vực thượng lưu.

Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế Cảng – Kỹ thuật Biển, đơn vị tư vấn trong nước được bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giao nghiên cứu dự án, cho biết tổng vốn đầu tư dự án là 150 triệu USD. Dự kiến bắt đầu khởi công dự án vào năm 2006 và đưa vào khai thác từ năm 2010. Tổng khối lượng bùn cần phải nạo vét là 22 triệu m3.

Việc đưa vào khai thác tuyến kênh ước tính sẽ tiết kiệm được chi phí vận chuyển hàng hóa đến năm 2020 là trên 170 triệu USD. Theo đánh giá của đơn vị tư vấn, khi hoàn thành dự án sẽ góp phần quan trọng trong việc mở rộng cảng Cần Thơ thành cảng đầu mối vùng ĐBSCL, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng, đẩy mạnh giao thương và lưu thông hàng hóa giữa Việt Nam, Campuchia và khu vực.

Vì sao chọn phương án đào kênh?

Một câu hỏi đặt ra là vì sao chọn phương án đào kênh mà không phải là những phương án nạo vét, tìm cách thông ra các cửa sông khác? Ông Trần Tấn Phúc, giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng – Kỹ thuật biển, cho biết trong quá trình nghiên cứu dự án tiền khả thi, các đơn vị tư vấn đã đưa ra sáu phương án về vị trí tuyến, luồng, trong đó có việc nạo vét cửa Định An, cửa Trần Đề (cách cửa Định An khoảng 5-6km).

Xẻ kênh, mở đường ra biển
Các cửa sông khu vực ĐBSCL
Tuy nhiên các phương án này đều không khả thi do bùn bồi lắng nhiều, luồng không ổn định. Riêng phương án mở kênh Tắt ra biển cũng đề xuất ba vị trí nhưng hai vị trí còn lại do đường vòng xa, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân, địa chất khu vực yếu hơn nên cuối cùng phương án hiện nay được chọn.

Cũng theo ông Phúc, đây không phải là con kênh đầu tiên được đào tại khu vực ĐBSCL. Trước đó có rất nhiều tuyến kênh khác đã được đào như kênh Vĩnh Tế, kênh Chợ Gạo, kênh Quan Chánh Bố... Tuy nhiên các con kênh trước đây chủ yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp, thoát lũ, lưu thông nội bộ..., còn kênh Tắt là tuyến kênh đầu tiên phục vụ cho tàu thuyền lớn vào cảng.

Hàng chục triệu mét khối bùn nạo vét khi đào kênh sẽ sử dụng để san lấp, xây dựng các khu dân cư mới phục vụ tái định cư. Riêng về đền bù giải tỏa, phạm vi thực hiện dự án dân cư thưa thớt, ảnh hưởng khoảng 250 hộ, số còn lại chủ yếu là đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản.

Rút ngắn còn 2 thay vì 3 năm

Tại hội thảo góp ý về dự án, hầu hết các bộ ngành liên quan như Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Thủy sản, Bộ Khoa học-công nghệ và các tỉnh ĐBSCL... đều ủng hộ dự án này.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đào Đình Bình hứa sẽ phấn đấu quyết liệt để dự án khởi động vào năm 2006, đến năm 2010 có thể đưa dự án vào khai thác. Bộ trưởng Đào Đình Bình đã đề nghị các ngành liên quan chủ động phối hợp để dự án triển khai nhanh. Nếu có thể, rút ngắn thi công dự án xuống còn hai năm thay vì ba năm như dự kiến, bộ sẽ rút ngắn tối đa các thủ tục.

Xẻ kênh, mở đường ra biển
Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt trong chuyến khảo sát dự án đào kênh Tắt

Đó là lối ra cho ĐBSCL

Tuổi Trẻ trao đổi với nguyên thủ tướng VÕ VĂN KIỆT về dự án này:

* Là người rất am hiểu về khu vực này cũng như có quá trình theo dõi dự án, theo ông, tính khả thi của phương án này ra sao?

- Tôi đã đi thực tế với Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng – Kỹ thuật biển suốt 20km kênh Quan Chánh Bố và 10km kênh Tắt sẽ đào mới. Đề án đã cung cấp thêm nhiều thông tin khoa học. Tôi rất đồng tình với phương án và dự kiến thiết kế. Tôi cho đây là một lối ra khá rõ cho việc vận chuyển hàng hóa của khu vực ĐBSCL. Việc xây dựng hai tuyến đê chắn sóng để hạn chế bồi lắng là một tính toán rất hiện thực. Nhưng vấn đề cần đặt ra là môi trường tự nhiên sẽ bị tác động như thế nào nếu triển khai dự án?

Dù theo phân tích của đơn vị tư vấn, lượng bùn đất bồi lắng không đáng kể nhưng với luồng nước ra vào và quá trình bồi lắng phù sa cũng cần đi sâu phân tích cho đủ cơ sở hơn. Thực hiện dự án không chỉ kết thúc khi dự án hoàn thành mà phải theo dõi những biến động sau đó. Đề phòng là cần thiết, nhưng nếu đề phòng đến mức sợ mà không dám làm gì hết thì coi như bằng không.

* Nhưng thưa ông, một số ý kiến lo lắng tình trạng xâm nhập mặn tại khu vực sẽ nhiều hơn sau khi có thêm một cửa nữa thông với biển?

- Lo lắng về chuyện xâm nhập mặn của dự án là điều có thật nhưng so với các cửa sông như Cổ Chiên, Hàm Luông, cửa Tiểu, cửa Đại... là không đáng kể. Nếu đào kênh Tắt rộng ra thì về mặt môi trường có thể được nhiều hơn là mất. Thực tế hiện nay là không còn rừng mà chủ yếu là đất nuôi tôm, vì con tôm đã ăn hết rừng rồi (cười). Nếu như phát hiện sớm hướng ra này thì sự chọn lựa cũng phải như vậy. Mở kênh là thêm lợi thế về kinh tế - xã hội cho cả vùng sông Hậu, nhất là các địa phương liên quan như Trà Vinh và cả tuyến cảng. Nhân đây tôi cũng nhắc lại: ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau phải hết sức quan tâm đến môi trường nuôi tôm. Ở một số vùng đất chuyên canh nuôi tôm tôi đã từng đi qua, gần như là sa mạc trong mùa khô. Nghiên cứu thế nào để vừa nuôi tôm nhưng vẫn giữ được vùng sinh thái, là vấn đề môi trường cần đặt ra bức xúc hơn so với tuyến kênh Tắt.

* Để dự án triển khai nhanh, điều bận tâm nhất hiện nay là vấn đề gì, thưa ông?

- Đó là chuyện thủ tục. Làm sao khắc phục nhanh về các thủ tục chính từ hệ thống quản lý của mình. Thủ tục càng nhanh thì công trình càng đưa vào thi công và sử dụng sớm. Các ngành liên quan cần phối hợp thật tốt, các địa phương liên quan phải tích cực chung quanh việc giải tỏa đền bù thỏa đáng cho dân. Cần xác định rõ thời gian, có mở đầu là phải có kết thúc trong thực hiện. Về phía tổ công tác, nên tranh thủ báo cáo dự án với Thủ tướng Chính phủ để có quyết định sớm. Phải hết sức tranh thủ thời gian. Thời gian là tài sản quốc gia. Lãng phí thời gian là sự lãng phí lớn nhất.

Bài toán tốn kém do vận chuyển bằng đường vòng đã thấy. Nhiều năm qua, đường ra của khu vực đồng bằng bị kẹt. 70-80% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu phải qua cụm cảng của TP.HCM. Vì vậy mà cụm cảng TP.HCM cũng đang quá tải. Tuyến cảng Hậu Giang được mở thoáng ra biển với trọng tải lớn là chia sẻ bớt với cụm cảng TP.HCM vừa giải quyết lối ra cho ĐBSCL. Ta bắt đầu từ bây giờ là đã quá chậm.

* Xin cảm ơn ông.

PHÚC HUY, HỮU TRÃI, PHƯƠNG NGUYÊN

Nguồn: Vietnam News

Cựu Thủ tướng KIET dùng hết sức để hỗ trợ Quy hoạch Cảng

Theo Vietnam Investment Review, 23/05/2005

Một cuộc họp để thảo luận về việc xây dựng một cảng biển có khả năng ...

Bộ Giao thông vận tải phát triển Cần Thơ

Theo Vietnam News - 19/05/2005

Thành phố Hồ Chí Minh - Bộ giao thông vận tải và các chuyên gia từ các...

Bên dòng Thị Vải

Theo Bà Rịa - Vũng Tàu - 23/1/2005

Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các nền văn hóa đều khởi nguồn từ nh...