Bên dòng Thị Vải
Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các nền văn hóa đều khởi nguồn từ những con sông. Cũng không phải ngẫu nhiên mà những tiềm lực để phát triển kinh tế hầu như cũng bắt đầu từ những dòng sông...
Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các nền văn hóa đều khởi nguồn từ những con sông. Cũng không phải ngẫu nhiên mà những tiềm lực để phát triển kinh tế hầu như cũng bắt đầu từ những dòng sông.
1. Những dấu vết văn hóa tiền sơ sử mà các nhà khảo cổ học phát hiện gần đây đã minh chứng cho một đời sống vô cùng phong phú, đa dạng của cộng đồng cư dân cổ ven sông Thị Vải. Năm 2002, trong chương trình phối hợp giữa Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Tổng hợp Bà Rịa - Vũng Tàu, các nhà khảo cổ đã phát hiện dấu hiệu của những tầng tích một nền văn hóa phong phú đã phôi thai qua hàng thế kỷ. Khi tiến hành khảo sát dọc theo các dòng suối, bàu nước, các gò đất nổi ven sông Thị Vải như Gò Cá Sỏi, Gò Cây Me, Gò Cây Trôm… các nhà khảo cổ đã phát hiện được nhiều di vật nằm dưới độ sâu khoảng 1,2- 1,5m.
Cho đến tháng 8-2004 thì điều này đã được minh chứng qua các đợt khai quật di chỉ khảo cổ học tại Gò Cây Me (xã Phước Hoà - huyện Tân Thành). Tổng số 226 hiện vật thu được với các chất liệu đá, xương, gốm và hơn 13 vạn mảnh gốm các loại. Qua diễn biến địa tầng cũng như qua các loại hình hiện vật đã cho thấy sự thống nhất về quá trình hình thành và nội dung văn hóa của di chỉ Gò Cây Me. Ngoài tính chất là một di chỉ cư trú, nơi đây còn là một di chỉ sản xuất gốm. Theo kết luận của các nhà khảo cổ học thì đồ gốm ở Gò Cây Me rất giống với đồ gốm ở các di chỉ Gò Cá Sỏi, Gò Cây Chôm, Gò Bảy Mộ… nằm ven sông Thị Vải đã được tìm thấy trước kia. Đó là sự phổ biến của các loại hình gốm thô nặn bằng tay với các loại hình nồi, vò thân có văn thừng. Đặc biệt, hầu như gốm ở các di chỉ này không có sự diễn biến từ lớp sớm đến lớp muộn - thể hiện tính ổn định, mang sắc thái riêng của nhóm cư dân cổ. Điều này cũng có nghĩa là vào thời kỳ đó, đời sống trong môi trường sinh thái rừng ngập mặn ven biển rất phong phú các sản vật rừng… đã giúp cư dân cổ có nguồn thực phẩm dồi dào, giúp họ kiếm sống dễ dàng hơn so với cộng đồng cư dân cổ khác ở miền Đông Nam bộ cùng thời.
Qua đối chiếu với những di chỉ, các nhà khảo cổ học đi kết luận: di chỉ Gò Cây Me có cùng tính chất và nội dung văn hóa, có niên đại cách ngày nay khoảng 3.000 - 3.500 năm. Cùng với di chỉ Gò Cá Sỏi và cụm di tích thuộc xã Hội Bài (huyện Tân Thành), di chỉ Gò Cây Me là di chỉ có niên đại sớm nhất cho đến nay về thời kỳ tiền sơ sử trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
2. Nhìn vào bản đồ, sông Thị Vải trông giống như một con rồng lượn quanh, chảy qua "vùng kinh tế năng động" là TP. Hồ Chí Minh - Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Sông Thị Vải có chiều dài khoảng 30km, khởi nguồn từ khu vực Tuy Hạ (Đồng Nai) chảy qua địa phận Bà Rịa - Vũng Tàu với chiều dài 25km, chiều rộng trung bình 600 - 800m, sâu từ 10 - 20m; cho phép xây dựng một hệ thống cảng công suất từ 18 đến 21 triệu tấn hàng hóa/năm và tàu trọng tải lớn từ 40 - 60 nghìn tấn ra vào dễ dàng. Tại đây, hiện có gần chục cầu cảng lớn nhỏ đang hoạt động, trong đó có cảng Baria - Serece dài 132m, công suất 1,2 triệu tấn/năm.
Tại lưu vực còn có hai khu công nghiệp lớn của Đồng Nai là Nhơn Trạch và Gò Dầu với hàng chục nhà máy hoạt động ngày đêm. Và bên bờ Đông sông Thị Vải là những khu công nghiệp Mỹ Xuân, Phú Mỹ, Cái Mép … của Bà Rịa - Vũng Tàu, đặc biệt, có trung tâm công nghiệp khí - điện - đạm lớn nhất nước. Trong tương lai không xa, hàng loạt các cầu cảng mới sẽ được xây dựng trên sông Thị Vải. Ông Trần Tấn Phúc - Giám đốc Xí nghiệp Tư vấn Thiết kế cảng kỹ thuật biển (thuộc Công ty Tư vấn Thiết kế giao thông vận tải biển phía Nam - đơn vị đang thực hiện lập kế hoạch chi tiết hệ thống cảng TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết: Khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải trên sông Thị Vải có độ sâu nước lớn đáp ứng cỡ tàu 50 - 80 ngàn tấn, có các điều kiện lợi thế nên lãnh đạo các cảng như Tân Cảng, cảng Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son đã chọn lựa để đáp ứng nhu cầu phát triển đến năm 2020 và sau 2020. Trước mắt, nơi đây sẽ là cảng cửa ngõ của khu vực, tương lai là cảng trung chuyển quốc tế của cả nước, của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt dự án Đầu tư Cảng Quốc tế Cái Mép - Thị Vải giai đoạn từ nay đến 2010, với tổng vốn đầu tư 4.730 tỷ đồng. Khu vực được xác định tại vị trí trên sông Thị Vải thuộc huyện Tân Thành gồm cảng Tổng hợp Thị Vải và cảng container Cái Mép. Dự án này sẽ khởi công năm 2006, hoàn thành cuối năm 2009 hoặc đầu năm 2010. Mới đây, trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về bổ sung quy hoạch chi tiết hệ thống cảng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bộ Giao thông - Vận tải một lần nữa khẳng định: Khu vực Thị Vải của Bà Rịa - Vũng Tàu là vùng rất nhạy cảm, là vùng tài nguyên có một không hai ở Đông Nam Á.
Khi các nhà chiến lược nhắm đến Thị Vải để phát triển kinh tế, đương nhiên họ đã nhìn thấy những điều kiện đặc biệt thuận lợi về vị trí địa lý cùng những yếu tố xã hội cần thiết. Đó là nền văn hoá, là tiềm lực của dòng sông…
Bài, ảnh: Thảo Phương - Mai Sim
Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu