Thêm một con rồng ở mảnh đất Cửu Long
Tìm luồng ra biển cho những con tàu lớn chở lúa gạo, thuỷ sản của ĐBSCL xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài, là sự thách đố với những "người làm đường" nước Việt từ gần 10 năm qua. Ngày 26 - 27.6.2005 vừa qua, đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình đã dẫn đầu đoàn khảo sát nhằm tận mắt "cân đo" đề xuất của tư vấn SNC Lavalin Canada: Đào kênh Đại An dài 10km trên địa phận tỉnh Trà Vinh, tận dụng kênh Quan Chánh Bố để nối luồng sông Hậu với biển, tránh cửa Định An bị sa bồi nghiêm trọng, dẫn tàu 1-2 vạn tấn vào cảng Cần Thơ. Vậy là trong tương lai mảnh đất chín rồng sẽ có thêm một con rồng mới...
Được bồi đắp bởi từng hạt phù sa nhẫn nại từ thượng nguồn Tây Tạng đến suốt dòng Mêkông và những giọt mồ hôi cần cù của 20 triệu nông dân, vùng đồng bằng chín rồng hội tụ đã tặng cho đời cơ man cá tôm, lúa gạo. Con tôm, con cá, hạt lúa đồng bằng đã lặn lội theo tàu ra nước ngoài vinh danh thiên hạ đổi nhà tầng, xe máy cho người dân. Nhưng gần biển là thế, luồng sông Hậu sâu là thế mà cảng Cần Thơ từ bao năm nay, chỉ luẩn quẩn đón được những con tàu 3-5 nghìn tấn, bởi cửa Định An với tốc độ sa bồi khủng khiếp đã bóp nghẹt lối ra.
Ông Vương Đình Lam - Cục trưởng Cục Hàng hải VN đưa ra những con số xót xa: Một năm trung bình có 9-12 triệu tấn hàng vùng ĐBSCL xuất khẩu bằng đường biển, nhưng chỉ 30% đi thẳng được từ các cảng ĐBSCL, còn lại 70% phải vận chuyển qua cảng TPHCM và Vũng Tàu. QL 1 nghẽn xe, nát đường vì hàng triệu tấn hàng phải vòng vèo. Hạt lúa, con tôm oằn mình cõng thêm cước vận tải, còn đâu sức cạnh tranh. Đồng tiền thu về của người dân còm cõi dần.
Đau đáu vì đồng tiền mồ hôi nước mắt của người dân bị lãng phí, Cục Hàng hải VN đã đổ tiền, đổ công nạo vét sa bồi nhằm hạ độ sâu, khơi thông luồng cho tàu lớn. Nhưng sức người không lại với thiên nhiên. Vật vã nơi cửa sông mỗi năm những chiếc tàu hút bùn lặc lè mang hàng trăm nghìn mét khối phù sa đi đổ, song chỉ một hai tháng là cạn lại hoàn cạn bởi cửa Định An có lượng sa bồi hằng năm khoảng 200-300 triệu mét khối. Từ năm 2000-2004, 47 tỉ đồng ném xuống cửa Định An mà chỉ duy trì được độ sâu âm 4-5 mét trong vòng 1-2 tháng/năm. Luồng sông Hậu với độ sâu từ 6,5-14,5 mét cũng đành mỏi mắt ngóng vọng những con tàu lớn, bởi cửa ra biển chỉ đạt tới độ sâu 3,2- 4 mét. Hệ thống cảng ĐBSCL được thiết kế với công suất 7,5 triệu tấn/năm ngậm ngùi xếp dỡ cầm chừng 4,2 triệu tấn hàng/năm.
Nút thắt cửa luồng Định An khiến những người làm GTVT không yên, đôn đáo tìm lối thoát. Thật may, tư vấn Heacon (Bỉ ) thông qua Uỷ ban Sông Mêkông tài trợ, đã bắt tay giúp VN tìm đường ra biển cho ĐBSCL. Nhưng sau ba năm (1997-1999) lăn lộn khảo sát, tính toán, tiêu tốn 2 triệu USD, họ đưa ra kết luận đầu hàng sa bồi cửa Định An. Thế là hạt phù sa đem lại cơm no áo ấm cho vùng ĐBSCL cũng là hạt oan nghiệt thắt chặt đường ra biển.
Xẻ đất, khơi luồng
Năm 2000 với 300.000USD do Chính phủ Canada tài trợ, SNC Lavalin - tập đoàn tư vấn nổi tiếng thế giới của Canada đã nhen nhóm lại hy vọng tìm cho ĐBSCL một con đường mới ra biển. Kỹ sư Trần Tấn Phúc - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn thiết kế cảng – Kỹ thuật biển (PORTCOAST), tư vấn đối tác VN của SNC Lavalin từ những ngày đầu nghiên cứu còn nhớ như in phút giây ông Bassem M.Eid chuyên gia SNC Lavalin phát hiện ra kênh Quan Chánh Bố, được đào nối từ cửa Đại An thuộc luồng Định An sang cửa Cung Hầu vào khoảng đầu thế kỷ.
Độ sâu lý tưởng của dòng kênh đào liên tiếp hiện lên máy đo sâu, khi tàu khảo sát chạy dọc kênh khiến Bassem ngạc nhiên. Hầu như đạt tới -6,5m. Gợi ý từ người xưa loé sáng: Xẻ đất liền đào luồng ra biển. Vạch một nét mạnh dạn và quả quyết từ kênh Quan Chánh Bố ra cửa biển thuộc địa phận tỉnh Trà Vinh, bàn tay nhà tư vấn lão luyện đã khơi mở luồng cho tàu lớn của thế giới vào ra vùng ĐBSCL. Sức thuyết phục của dòng kênh mới này mạnh đến nỗi Ngân hàng Thế giới đã phải mở hầu bao tài trợ hơn 1 triệu USD cho SNC Lavalin lập dự án nghiên cứu khả thi.
Từ khảo sát thực tế và những tính toán khoa học, đề xuất của các nhà tư vấn mới mẻ và táo bạo: Mở luồng mới tránh cửa Định An qua kênh Quan Chánh Bố hiện hữu dài 20km đồng thời xẻ đất liền, đào tiếp đoạn kênh mới dài 10km nối từ kênh Quan Chánh Bố thông ra biển thuộc địa phận xã Đại An, tỉnh Trà Vinh, kèm theo hệ thống đê kè chắn sóng bảo vệ luồng ở cửa vào và cửa ra của kênh với kinh phí khoảng 150-200 triệu USD từ nguồn vốn vay Ngân hàng thế giới.
"Trả nợ" người dân
Những nếp nhăn như sâu hơn trên khuôn mặt trĩu nặng suy tư của Bộ trưởng Đào Đình Bình. Nỗi khao khát vươn lên của người dân ĐBSCL như bật ra qua câu hỏi da diết của Bí thư Thành uỷ Cần Thơ Lê Nam Giới: ĐBSCL đầy tiềm năng về nông nghiệp, thuỷ sản, lại chiếm 1/4 dân số cả nước phải cố mà tìm cách phát triển là đúng lắm, muốn lắm, nhưng làm thế nào mà phát triển khi đường bộ đến ĐBSCL thì độc một , đường biển tắc, đường hàng không chờ... xoáy lốc tâm can ông - người đứng đầu ngành GTVT.
Ông cảm thấy mắc nợ đến day dứt: 20 triệu dân ĐBSCL dù có miệt mài ngửa mặt trông trời, cúi đầu trông đất, cần cù cấy ra hạt lúa, nuôi được con tôm chẳng thể nào khá hơn, nếu không tìm ra con đường ngắn nhất đem chúng đến nơi có giá. Các bộ trưởng tiền nhiệm cũng đôn đáo tìm luồng ra biển cho ĐBSCL bởi bài toán kinh tế là quá rõ ràng. Gần mười năm, không ít tư vấn đã đề xuất nhiều phương án khác nhau, song tính khả thi thấp và kinh phí quá lớn. Nay phương án đào kênh Đại An có tính khả thi cao, chi phí thấp, đã được thẩm định qua Hội đồng khoa học nhà nước. Thực hiện dự án này là một cách trả nợ người dân một nắng hai sương, ông không được phép sai lầm, lại càng không được chậm trễ, để lỡ cơ hội.
Sự có mặt của Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Ngọc Trân, (người đã có mười năm lăn lộn "nếm đất, đo nước" ĐBSCL để trả lời dần câu hỏi "nuôi con gì, trồng cây gì?") và lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL trong chuyến khảo sát là cách vị bộ trưởng thể hiện mong muốn nghe những lời phản biện lại tư vấn, gợi ra những khiếm khuyết của dự án.
Từ những câu hỏi "bắn trúng tim đen" tư vấn như khả năng sa bồi ở cửa biển sau khi đào kênh, tác động của tàu lớn với hai bờ kênh, ảnh hưởng của mùa gió chướng tới sa bồi ở cửa biển và khả năng xâm nhập mặn khi có dòng kênh mới với đất liền... của vị giáo sư già yêu mảnh đất ĐBSCL như máu thịt, ông yêu cầu tư vấn tiếp tục nghiên cứu, chạy mô hình toán để xem xét sự chuyển dịch của dòng phù sa.
Nhìn nét mặt ưu tư, nghe nỗi băn khoăn vì sẽ phải di dời nhà cửa, mất ruộng, mất đìa nuôi tôm của người dân xã Long Khánh, huyện Diên Hải, tỉnh Trà Vinh - nơi kênh đào sẽ xẻ làm hai nửa - ông nhắc nhở Ban quản lý các dự án đường thuỷ - chủ đầu tư dự án phải tính đến những phương án đền bù có lợi nhất cho người dân. Từ gợi ý này, tư vấn đang đề xuất phương án làm cầu qua các đoạn kênh cắt chia hai nửa đất liền thay vì phà như trước đây và phác thảo một khu đô thị hai bên bờ kênh, những mong vừa đón tàu lớn vào, vừa biến mảnh đất chua phèn thành một đô thị trên bến dưới thuyền.
Những cẩn trọng cuối cùng của Bộ GTVT là để cố gắng trình Chính phủ phê duyệt dự án nghiên cứu khả thi vào tháng 7. Với "nốt" ưu tiên số 1 vay vốn từ Ngân hàng Thế giới, dự kiến dự án sẽ hoàn thiện các thủ tục đầu tư trong năm 2006 và bắt đầu thi công từ năm 2007-2009. Hy vọng thập niên thứ hai của thế kỷ 21, những con tàu lớn sẽ hú còi chào ĐBSCL.
Và sẽ thật khiếm khuyết nếu không nhắc công lao, đến tấm lòng vẫn còn ắp đầy nhiệt tình với dân với nước của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt dành cho dự án này. Dù sương rơi đọng xuống mái đầu thành mây, nhưng trái tim vị Thủ tướng khi xưa vẫn đập những nhịp cuồn cuộn nhiệt huyết với mảnh đất ĐBSCL.
Ở tuổi 85, ông sang sảng ý chí phải mở luồng ra biển cho chín con rồng đồng bằng cất cánh. Nụ cười trắng loá khuôn mặt sẫm nhàu vì nắng gió ĐBSCL, ông Thạch Út Sương ở ấp Đình Cũ, xã Long Khánh, huyện Diên Hải, tỉnh Trà Vinh rổn rảng: "Ồ dân tui vui hết biết, đổi đời đấy, nghe nói mở luồng ing - tẹc cho tàu to vào mà". Có lẽ đây là phần thưởng không gì so sánh, tặng cho những người mở luồng Đại An.
Ghi chép của Bích Liên
Nguồn: Vietnam News
Đào kênh tắt Quan Chánh Bố - ĐBSCL mở rộng cửa
Theo SGGP - 29/6/2005
Trong chuyến khảo sát thực địa tuyến luồng tàu cửa Định An và làm việc...
Xẻ kênh, mở đường ra biển
Theo Tuổi Trẻ Chủ Nhật - 22/05/2005
Sau nhiều năm khảo sát, các cơ quan tư vấn vừa báo cáo với tổ công tác...
Cựu Thủ tướng KIET dùng hết sức để hỗ trợ Quy hoạch Cảng
Theo Vietnam Investment Review, 23/05/2005
Một cuộc họp để thảo luận về việc xây dựng một cảng biển có khả năng ...