Khởi công luồng tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu
Theo Báo Tuổi Trẻ - 27/12/2009
TTO - Sáng nay 27-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức phát lệnh khởi công xây dựng dự án luồng tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh kênh đào Quan Chánh Bố khai thông luồng tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu là dự án trọng điểm quốc gia với mục tiêu xây dựng uồng tàu biển ổn định cho tàu có tải trọng 20.000 tấn ra vào các cảng trên sông Hậu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh kênh đào Quan Chánh Bố khai thông luồng tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu là dự án trọng điểm, có tầm quan trọng đặc biệt không chỉ với vùng ĐBSCL mà với cả nước.
Ông Nguyễn Thái Bình, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, nói kênh đào Quan Chánh Bố đang mở ra cho địa phương vận hội mới, cơ hội để phát triển, thu hút đầu tư để đi lên.

Khi hoàn thành, tàu biển 20.000 tấn có thể ra vào giao nhận hàng tại các cảng thuộc cụm cảng số 6 dễ dàng. Từ đó mở ra cơ hội phát triển mới cho vùng ĐBSCL, hàng hóa được xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài không phải xuất thông qua các cảng ngoài vùng, giảm được áp lực vận tải bằng đường bộ, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa và lợi nhuận của doanh nghiệp, nông dân.

Bộ Giao thông vận tải cho biết dự án bao gồm các hạng mục chính: luồng tàu một chiều dài 40km, khu tránh tàu, đê biển, kè bảo vệ, bến phà, sà lan 500 tấn, cầu đường bộ qua kênh tắt, đường ven luồng, hệ thống phao tiêu báo hiệu và thiết bị thông tin hàng hải…
Tuyến luồng này được chia ra luồng sông dài 6km, đoạn kênh Quan Chánh Bố dài 19km, đoạn kênh tắt cắt qua đất liền dài 9km và đoạn luồng biển dài 6km. Toàn bộ dự án nằm trên địa phận hai huyện Duyên Hải và Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.
Để đảm bảo tính ổn định của luồng khi đưa vào khai thác, chủ đầu tư sẽ cho xây dựng 36km bờ kè hai bên bờ kênh để tránh sạt lở. Còn tại khu vực cửa biển sẽ cho xây dựng hai đê chắn sóng với chiều dài mỗi đê trên 2,5km. Hai đê này không chỉ có tác dụng chắn sóng mà còn góp phần ngăn bùn, cát bồi lắng luồng tàu.
Ông Phạm Anh Tuấn, giám đốc dự án Công ty Postcoast (đơn vị tư vấn thiết kế), cho biết dự án được triển khai trên diện tích khoảng 1.500ha thuộc địa phận hai huyện Duyên Hải, Trà Cú. Tổng khối lượng nạo vét để đào kênh mới và cải tạo các kênh hiện hữu khoảng 28 triệu m3. Tổng mức đầu tư dự án hơn 5.000 tỉ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2011 dự án đi vào khai thác và sẽ đáp ứng năng lực thông qua khoảng 22 triệu tấn hàng hóa/năm, phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa của ĐBSCL.
Để thực hiện dự án, tỉnh Trà Vinh có gần 1.400 hộ bị thu hồi hơn 1.000ha diện tích. Ban quản lý dự án đã áp dụng chính sách bồi thường hỗ trợ đất ở và thành quả lao động, hỗ trợ nơi tái định cư chu đáo cho các hộ bị thu hồi đất. Hiện nay hơn 90% hộ dân đã nhận tiền bồi thường với tổng số tiền đền bù, hỗ trợ gần 382 tỉ đồng. Có 966 hộ dân được xét bố trí nền nhà tái định cư ổn định cuộc sống.
Bộ Giao thông vận tải cho biết dự án này được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nhằm khai thông thế tắc hàng hóa của vùng ĐBSCL hiện nay vốn dĩ tập trung xuất tại cụm cảng TP.HCM với 70-80% lượng hàng hóa. Điều này đã làm thiệt cho doanh nghiệp 180 USD mỗi container hoặc 7-10 USD/tấn phí vận chuyển. Có luồng tàu Quan Chánh Bố vào sông Hậu sẽ tạo thuận lợi lớn trong vận chuyển hàng hóa vùng ĐBSCL, tạo được tính cạnh tranh cho hàng nông - thủy - hải sản toàn vùng.
Đào kênh Quan Chánh Bố, khai thông luồng tàu trọng tải lớn vào 13 cảng trên sông Hậu sẽ thay đổi lớn diện mạo kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể:
- Tiết kiệm chi phí giá thành qua xuất nhập khẩu trực tiếp và tăng tính cạnh tranh của hàng hóa, nông thủy sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
- Tạo điều kiện phát triển, tăng thu nhập và công ăn việc làm trong lĩnh vực hàng hải, vận tải, thương mại và dịch vụ liên quan.
- Tăng thu thuế hải quan, lệ phí hàng hải và hàng loạt khoản thuế kinh doanh, dịch vụ khác cho ngân sách địa phương.
- Tận dụng và tăng giá trị tài nguyên đất đai, lao động, tiện ích đưa vào sử dụng cho nhu cầu phát triển này...
Hiện nay, chi phí phát sinh và thời gian chậm trễ do phải sử dụng các cảng tại TP.HCM để xuất nhập hàng cho khu vực đồng bằng hiện còn quá cao. Xu thế và áp lực này đang tiếp tục tăng vì tỉ lệ xuất nhập khẩu trực tiếp qua các cảng khu vực đồng bằng hiện chỉ chiếm khoảng 32% khối lượng hàng thông qua cảng. Tàu đến cảng có sức chở bình quân khoảng 3.800 tấn hàng mỗi tàu trong khi mức bình quân đối với tàu ra vào cụm cảng số 5 là 9.600 tấn/tàu.
Như vậy, nếu luồng Định An hoặc kênh Quan Chánh Bố có thể cho tàu 10.000 tấn ra vào ngày đêm thì cảng Cần Thơ và các cảng dùng chung luồng tàu đã có điều kiện cạnh tranh bước đầu với các cảng khu vực TP.HCM.
Nguồn: TTO
Lượt truy cập: 0
Luồng tàu lớn vào sông Hậu - động lực mới cho ĐBSCL
Theo BaoDatViet.vn - 27/12/2009
Ngày 27/12, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND tỉnh Trà Vinh làm ...
Địa chỉ tín nhiệm của tư vấn cảng biển quốc tế
Theo Shipping Times, No 3 - 11/2009
Hiện tại với các dự án thiết kế cảng biển có yếu tố nước ngoài, trong ...
TP. Hồ Chí Minh: Khẳng định thành công của luồng tàu biển Soài Rạp
Theo TN & MT - 22/10/2009
Sự kiện Cảng container Trung tâm Sài Gòn (SPCT) - KCN Hiệp Phước vừa đ...