Cải tạo Lòng Tàu, nạo vét Soài Rạp
Theo SGGP - 30/07/2008
Tuần qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng đã dành trọn một ngày để đi thị sát 2 luồng tàu biển quan trọng của TPHCM là Lòng Tàu và Soài Rạp...
Cuộc đổi vai lịch sử
Cách nay hơn 100 năm, sông Lòng Tàu với độ sâu khoảng âm 7m đến 8m đã vượt qua sông Soài Rạp có nhiều đoạn chỉ sâu hơn 5m, trở thành luồng tàu biển chính cho các cảng nằm trên sông Sài Gòn, sâu trong nội thành Sài Gòn-TPHCM hiện nay. Thế nhưng, với độ sâu này, luồng sông Lòng Tàu hiện nay đã trở nên chật chội, thậm chí không đáp ứng được cho những tàu có trọng tải lớn ra, vào.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc dự án của Công ty Cổ phần tư vấn thiết kế cảng-Kỹ thuật biển (Portcoast), đơn vị đang nghiên cứu xây dựng lại quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam, những năm gần đây, gần như năm nào cũng phải nạo vét lại luồng Lòng Tàu mới đảm bảo an toàn cho tàu ra, vào.
Thế nhưng, do có nhiều khúc “cua tay áo” khá gắt nên dù có được nạo vét, luồng Lòng Tàu cũng chỉ đón được tàu có trọng tải khoảng 30.000 tấn. Xưa kia, tàu có trọng tải này đã có thể coi là tàu lớn, song hiện nay với những tiến bộ về khoa học công nghệ và sự phát triển của nền kinh tế, tàu có trọng tải 50.000 tấn, 70.000 tấn… hoặc hơn nữa mới được coi là lớn.
Luồng Lòng Tàu vì thế trở nên quá tải trước những yêu cầu mới. Chính trong lúc này, sông Soài Rạp với lòng sông rộng, có đoạn rộng hơn 2,5km và khá thẳng đã trở thành “ứng cử viên” nặng ký cho yêu cầu mới.
Gần 10 năm về trước, lãnh đạo của TPHCM đã có ý tưởng nạo vét sông Soài Rạp để làm luồng tàu biển mới cho thành phố. Nhất là khi sự tồn tại của hàng chục cảng biển nằm trên sông Sài Gòn, sâu trong nội thành, kéo theo hàng trăm xe tải, xe container ra vào chở hàng đã là một trong những nguyên nhân gây kẹt xe cho thành phố. Ý tưởng này đã trở thành hiện thực khi Port Coast nghiên cứu và chỉ ra rằng có thể nạo vét luồng Soài Rạp. Và Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) - chủ đầu tư, tiến hành nạo vét thành công luồng Soài Rạp xuống độ sâu âm 7,5m.
Hiện nay, những chiếc tàu trọng tải 10.000 tấn đầy tải và 15.000 tấn giảm tải đã có thể ra, vào luồng Soài Rạp một cách an toàn. Thế nhưng, đây vẫn là những con số rất khiêm tốn so với yêu cầu, thậm chí so với năng lực của luồng Lòng Tàu. Việc nạo vét luồng Soài Rạp vì thế được đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết, đặc biệt là trong hoàn cảnh lượng hàng hóa vào các cảng thành phố vẫn tăng đều đặn khoảng 30%/năm.
Khẩn trương nạo vét thêm Soài Rạp
Sau chuyến thị sát sông Soài Rạp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng cho giới báo chí biết, ông hoàn toàn ủng hộ TPHCM tiếp tục nạo vét luồng Soài Rạp xuống âm 11m đến 12m để có thể đón tàu 50.000 tấn ra vào thông suốt và tàu 70.000 tấn lợi dụng thủy triều để vào. Đây là loại tàu khả dĩ có thể đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa cho TPHCM và khu vực trong thời gian trước mắt.
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định như vậy. Ngoài những nghiên cứu của các tư vấn, chủ đầu tư…, sự xuất hiện của ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, đại diện cho Tập đoàn Dubai World-một tập đoàn cảng biển lớn thứ 2 thế giới - trong đoàn khảo sát dường như cũng minh chứng cho tính khả thi của việc nạo vét luồng Soài Rạp.
Tập đoàn này đã đầu tư xây dựng một cảng nước sâu ở Hiệp Phước, nằm bên sông Soài Rạp, lấy luồng Soài Rạp cho tàu ra, vào. Ông Tâm cho biết, Dubai World đang tìm kiếm nguồn vốn giúp thành phố nhanh chóng tiến hành nạo vét luồng Soài Rạp.
Ngoài ra, về phía chủ đầu tư, ông Phan Hồng Quân, Tổng Giám đốc IPC cũng khẳng định, toàn bộ 7km cầu cảng dự kiến sẽ được xây dựng trên sông Soài Rạp đã kín doanh nghiệp đăng ký đầu tư, trong đó Tập đoàn Dubai World đầu tư xây dựng 1km.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng vẫn khẳng định, luồng sông Lòng Tàu sẽ được tiếp tục duy trì và hoạt động song song với luồng sông Soài Rạp. “Lòng Tàu vẫn sẽ được nạo vét, cải tạo thường xuyên” – Bộ trưởng nói. Theo Port Coast, hiện nay nhiều cảng đang sử dụng luồng sông Lòng Tàu đã đầu tư xây dựng mới toàn bộ cơ sở hạ tầng của cảng phù hợp với nhu cầu thông qua của luồng Lòng Tàu. Việc sử dụng cả 2 luồng tàu biển sẽ chỉ tốt hơn cho sự phát triển của hệ thống cảng biển ở TPHCM.
Chỉ còn một băn khoăn, hiện nay hệ thống giao thông đường bộ nối đến khu vực cảng ở Hiệp Phước chưa được đầu tư đúng tầm. Đường còn nhỏ, nhiều ổ gà. Một khi xe tải cũng như xe container loại lớn lưu hành, e rằng hệ thống đường khó đáp ứng được.
Về việc thực hiện quy hoạch giao thông ở TPHCM phục vụ cho đời sống và sự phát triển kinh tế của thành phố, trong đó có sự phát triển của hệ thống cảng biển, Bộ trưởng Bộ GT-VT Hồ Nghĩa Dũng cho biết, bộ đã thống nhất với thành phố: với các đường nội đô, thành phố sẽ đầu tư; bộ sẽ đầu tư các đường vành đai, các đường cao tốc liên vùng…
Về tiến độ thực hiện quy hoạch cảng biển ở khu vực Cái Mép-Thị Vải của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nhận định là tốt. Đã có nhiều cảng đã và đang được chuẩn bị khởi công xây dựng như Cảng quốc tế Cái Mép-Thị Vải…
Ngoài ra các trục đường giao thông nối khu vực cảng với các tuyến giao thông chính như quốc lộ 51… cũng đã tìm được nhà đầu tư. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, về nguyên tắc, Bộ GT-VT sẽ “lo” việc đầu tư các trục giao thông chính, còn đường giao thông nội bộ trong khu vực cảng sẽ do tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đảm trách.
Nguồn: SGGP
Lượt truy cập: 0
Đẩy nhanh tiến độ nạo vét luồng Soài Rạp có thể đón tàu 5 vạn tấn
Theo SGGP - 28/07/2008
Trong 2 ngày 26 và 27-7-2008, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng đã đi ki...
Quy hoạch cảng biển đang chờ... dữ liệu
Theo TBKTSG Online - 19/06/2008
Việc quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam định hướng đến 2...
Báo động tình trạng "hàng chờ cảng"
Theo Tuoi Tre Online - 12/06/2008
Hàng trăm ngàn tấn hàng chôn chân tại cảng do vướng ở khâu vận chuyển...